TIÊU ĐIỂM
Sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển không chỉ vững kiến thức, giỏi thực hành, họ còn rất ...
 
 
Loading...
Tọa đàm Chính sách công và phát triển

Ngày 26/9/2014, Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm Chính sách công và phát triển: Chuyển đổi cơ cấu và mô hình tăng trưởng, dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ nhiệm phụ trách khoa.
Tham dự buổi tọa đàm có các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu vĩ mô BIDV, giảng viên, cộng tác viên của Khoa Kinh tế Phát triển (KTPT), và các sinh viên quan tâm.Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh, việc tổ chức chuỗi hội thảo Chính sách công và phát triển đã trở thành truyền thống của Khoa KTPT và đây chính là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hướng nghiên cứu và các cơ hội hợp tác. Do vậy, hoạt động này luôn được Nhà trường ủng hộ và tạo điều kiện. Chính sự thành công của chuỗi hội thảo đó đã khẳng định được chất lượng cũng như uy tín của Khoa KTPT trong việc tổ chức hội thảo.Đến tham dự và báo cáo tham luận tại tọa đàm, TS. Nguyễn Khắc Lịch - giảng viên Khoa KTPT đã trình bày nghiên cứu về “Nguồn lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế’’. Trong bài trình bày, ông đã đưa ra các khái niệm, nội dung cơ bản liên quan đến chuyển dịch kinh tế, hoạch toán tăng trưởng, mô hình tăng trưởng, nguồn lực cho chuyển dịch kinh tế và đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, ông cũng khẳng định, những lý giải về hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay chủ yếu là định tính. Đánh giá chuyển dịch kinh tế là một công việc khó khăn đòi hỏi phải đánh giá được sự sẵn có về nguồn lực và các mối liên kết về kinh tế. Do vậy, người làm chính sách cần phải căn cứ vào định hướng phát triển của địa phương, vùng và quốc gia để xét tính phù hợp và hiệu quả của việc chuyển dịch kinh tế. Từ đó, có thể đưa ra các giải pháp can thiệp cần thiết để điều chỉnh nguồn lực và các mối liên kết kinh tế.

TS.Phan Thế Công trình bày tham luận tại tọa đàm

KLEMS Châu Á là thành viên của KLEMS thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận, cộng đồng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới. Mỗi nước có một cá nhân duy nhất đại diện cho quốc gia mình, xây dựng bộ dữ liệu theo mẫu chung mà KLEMS thế giới yêu cầu. TS. Phan Thế Công là đại diện duy nhất này của Việt Nam. Bộ dữ liệu theo mẫu của KLEMS sẽ được cung cấp miễn phí trong tương lai giúp các nhà nghiên cứu có thể so sánh tăng trưởng theo năng suất 72 ngành chủ yếu trong tất cả các nền kinh tế.
Tiếp đó, TS. Phan Thế Công - Trường Đại học Thương mại, đã trình bày nghiên cứu “Đánh giá tăng trưởng theo năng suất của ba ngành kinh tế ở Việt Nam dựa trên mô hình KLEMS giai đoạn 1986 - 2011”. Nghiên cứu này chủ yếu dựa trên hướng dẫn của Báo cáo Hoạch toán tăng trưởng và hiệu suất của EU KLEMS số 1, 2007 nhằm tìm kiếm bằng chứng vừa để chứng minh mối liên hệ giữa việc tăng năng suất kinh tế với sự thay đổi công nghệ và hiệu quả kỹ thuật với những yếu tố đầu vào và vừa để xác định đóng góp của các khu vực kinh tế với tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu đi sâu vào mô tả và phân tích số liệu nhằm xác định sự thay đổi về tăng năng suất, công nghệ và sự đóng góp của các yếu tố đầu vào, sự thay đổi kỹ thuật cũng như các khu vực kinh tế trong nền kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 1986 - 2011. Bằng phương pháp mô tả và phân tích số liệu, TS. Phan Thế Công đã đưa ra nhiều kết luận và hàm ý chính sách mang tính thực tiễn cao.Trao đổi về hai tham luận đã trình bày, khách mời tham dự cho rằng đây là những nghiên cứu có giá trị cả về lý thuyết và thực tiễn. TS. Trần Quang Tuyến (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất cần chọn thí điểm một hay hai ngành cụ thể để đánh giá tác động lan tỏa trong nội ngành dựa trên các mô hình phân tích định lượng theo chuỗi thời gian. TS. Nguyễn Đức Chính (Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 1) cho rằng, các nghiên cứu về mô hình tăng trưởng có thể đáp ứng được các nhu cầu phân tích tiềm năng đầu tư vào từng ngành, lĩnh vực và thị trường cụ thể. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư tìm hiểu sâu hơn các nghiên cứu về cơ cấu kinh tế để xác định ngành hay nhóm ngành chủ lực. Kinh nghiệm cho thấy, khi triển khai dự án cần phải chứng minh được tính thiết thực và hiệu quả của dự án, cũng như phát triển năng lực nghiên cứu. TS. Lưu Quốc Đạt, giảng viên Khoa KTPT cũng nêu lên ý tưởng về một hướng tiếp cận mới; đó là ứng dụng thuật toán mờ trong lượng hóa mô hình tăng trưởng.Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Việt cảm ơn các chuyên gia, khách mời và giảng viên đã tới tham dự hội thảo và khẳng định rằng hội thảo lần này, với ý nghĩa như một tọa đàm chuyên môn, đã trở thành nơi để các chuyên gia và giảng viên thảo luận, chia sẻ ý tưởng và đưa ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai. Ông hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía các chuyên gia, BIDV để có thể tổ chức nhiều hội thảo có giá trị chuyên môn cao cũng như có nhiều dự án hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
 

Tin: Hoa Hạnh - Khoa KTPT Ảnh: Nguyễn Kha
Các tin khác
 
 
 
 
free stats Khoa Kinh tế Phát triển
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Email: ktpt_ueb@vnu.edu.vn
Website: ktpt.ueb.edu.vn