TIÊU ĐIỂM
Sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển không chỉ vững kiến thức, giỏi thực hành, họ còn rất ...
 
 
Loading...
Một chặng đường vươn tới ước mơ

Ảnh: Nguyễn Thị Hiền tại buổi lễ chia tay sinh viên Khóa đầu tiên của Khoa Kinh tế phát triển
Chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm học bổng du học của Nguyễn Thị Hiền, thủ khoa đầu ra Khóa K53 Kinh tế phát triển.
Khi tôi ngồi đây để viết những dòng tâm sự này, nó gợi nhớ cho tôi về thời điểm cách đây 3 năm khi mà tôi mới ra trường và loay hoay tìm đọc đủ các bài trên mạng về các cách để làm thế nào nộp đơn và giành được học bổng để đi du học. Tôi không cho rằng bài viết này được viết ra để khuyên các bạn và chỉ có một con đường để đạt được điều đó vì tôi luôn tin rằng mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Trong bài viết này tôi sẽ chỉ chia sẻ cho các bạn về hành trình đạt được ước mơ đi du học của tôi đã diễn ra như thế nào.

Có lẽ cái khái niệm về đi du học chỉ đến trong đầu tôi khi tôi học năm cuối đại học. Trước đó, tôi là một con mọt sách chỉ biết ăn, học và học ăn. Tôi có tham gia các hoạt động của các câu lạc bộ ở trường đại học và một số hoạt động tình nguyện bên ngoài nhưng mục đích lúc đó thực sự là để tìm kiếm một chứng nhận để ra trường đi xin việc cho dễ dàng. Nhưng chính đó lại là điểm khởi đầu cho ước mơ đi du học của tôi. Tôi có cơ hội được gặp gỡ những con người tài năng tuyệt vời. Họ là những người anh người chị thực sự tuyệt vời đã giúp tôi vượt xa cái giới hạn về kiến thức sách vở. Bạn có quan sát khi chơi bowling, một khi bạn tác động một lực nhất định vào trái bóng thì sau đó nó sẽ tự lăn đi mà bạn cũng sẽ ít khi đoán biết được nó có thể đi xa đến mức nào. Trường hợp của tôi là vậy đó. Tôi ban đầu tham gia một, hai câu lạc bộ và rồi chính nhờ thế mà tôi có được sự kết nối với những điều tuyệt vời khác - những điều mà đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong thời gian sau khi tôi nộp đơn xin học bổng du học.

Trở lại thời điểm 3 năm về trước, khi mà tôi ra trường với tấm bằng giỏi và là thủ khoa của ngành học Kinh tế Phát Triển khóa 1 của trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tôi đã rất tự tin rằng mình đã có tất cả và chỉ cần chứng chỉ IELTS nữa là tôi có thể lên đường. Nhưng tôi đã nhận ra đó chưa phải là tất cả sau một vài lần nộp đơn và không được chấp nhận. Bây giờ khi nhìn lại tôi mới nhận ra, kết quả mà mình đạt được ngày hôm nay có lẽ là kết hợp của sự may mắn và ý chí quyết tâm không từ bỏ mà mình đã theo đuổi.

Tôi bắt đầu rải hồ sơ xin học bổng chính phủ du học từ năm 2013 ngay sau khi ra trường với 2 tấm bằng kinh tế và ngoại ngữ. Lúc đó ý nghĩ của tôi thật đơn giản, tôi sẽ viết và gửi bất cứ đâu tôi có thông tin học bổng. Tôi đã từng đặt bút viết để nộp cho chương trình học bổng chính phủ Bỉ, chính phủ Úc, chính phủ Nhật Bản,… và rất nhiều những chương trình học bổng khác nữa. Các thông tin học bổng tôi thu thập được từ website "Scholarship planet" (http://scholarshipplanet.info/vi/) cho các học bổng giành sinh viên Việt nam và được viết bằng tiếng Việt. Một website khác mà tôi cũng khá thích và rất thú vị đó là "scholarship-position.com" bằng tiếng Anh. Sau vài lần trượt ngã, tôi thấy thất vọng về bản thân vô cùng và tôi thực sự có lúc nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ xứng đáng và có cơ hội đi đâu vì ai cũng có những hồ sơ sáng chói thế kia. Tôi mất dần động lực và cảm thấy tổn thương mỗi khi lướt qua các trang báo hay trên Facebook có bạn báo là sắp đi học. Tâm trí tôi bắt đầu hoảng loạn và tôi dần mất đi sự quyết tâm đi học của mình. Ước mơ đi học đó nhiều lúc đã trở thành áp lực với tôi khi mà bố mẹ bắt đầu nhắc nhở về việc học hành của tôi. Có những lúc tôi chỉ biết làm kế sách hoãn binh bằng cách hứa sẽ được học bổng và đi trong năm hoặc nếu không tôi sẽ học ở Việt Nam. Nhưng khao khát được đi xa và trải nghiệm chưa bao giờ hết trong tôi.

Tôi đã nộp đơn xin làm cho một tổ chức phi chính phủ địa phương và rồi bị cuốn theo guồng công việc ở đó.
Tôi biết chưa bao giờ hết mong muốn đi học nhưng hình như sự quyết tâm và sự đầu tư để chuẩn bị những thủ tục, giấy tờ để có một hồ sơ luôn trong trạng thái sẵn sàn của tôi đang bị giảm sút đi rất nhiều so với hồi đầu. Cho tới nhận khi có một người trong cơ quan của tôi đi học và tôi mới chợt giật mình nhìn lại điều mình đang theo đuổi. Tôi quay lại "cuộc chiến" ấy bằng cách đọc những bài chia sẻ của những người đã thành công trong việc nộp đơn xin học bổng. Tôi thấy có nhiều điểm chung giữa những người đã thành công - chính là họ đã vượt qua giai đoạn rất gian lao và dai dẳng để tích lũy những điều cần thiết. Nhưng người chiến thắng thì sẽ bền lòng còn kẻ thất bại thì sẽ bỏ cuộc nhanh chóng. Tôi không chấp nhận mình là người thất bại được và nếu tôi bỏ cuộc vào thời điểm này tôi sẽ thật dễ dãi với bản thân quá.

Tôi quay trở lại công cuộc chinh phục học bổng.

Năm 2014, tôi nộp học bổng chính phủ New Zealand nhưng tôi chỉ qua được vòng đầu và có được chấp nhận học (admission) của trường đại học bên đó.
Năm 2015, tôi thấy mình có thêm một lợi thế khi đã có giấy chấp nhận học (admission) và tôi tập trung và phần viết các bài luận để nộp. Tôi thực tế chỉ có 2 tuần để hoàn thành tất cả các bài luận của mình và thời điểm đó là thời điểm thực sự khó khăn mà đôi khi tôi nghĩ mình đã bị áp lực rất nặng nề từ việc đó. Cũng chính trong thời điểm đó một người bạn của tôi được học bổng đi Thái Lan, nên tôi đã được khích lệ rất nhiều để chiến đấu tiếp.
Tôi nhờ đến những người bạn quốc tế của mình để xem xét các bài luận không chỉ một lần với một người mà nhiều lần và với nhiều người. Đây cũng chính là sự khác biệt rõ rệt mà tôi nhận ra. Tôi chưa bao giờ làm điều đó trước kia.
Về thư giới thiệu, học bổng chính phủ New Zealand yêu cầu nộp 3 thư giới thiệu từ nhà trường, cơ quan công tác và đối tác làm việc. Về khoản này tôi rất tự tin vì các thầy cô luôn tận tình giúp đỡ, sếp trong cơ quan thì tuyệt vời luôn. Còn về phía đối  tác, tôi liên lạc với hai người mà tôi biết. Một là giáo sư người Nhật bản tôi đã từng làm việc cùng khi tôi còn là sinh viên và người khác là trưởng dự án bên phía nhà tài trợ của cơ quan tôi đang làm việc. Việc này mất khá nhiều thời gian nên tôi đã liên lạc với các thầy cô, sếp từ khá sớm trước đó 3 hay 4 tháng.

Ảnh: Nguyễn Thị Hiền tại ngôi trường đang theo học

Con đường đi đến ước mơ của mỗi người là khác nhau vì chúng ta là duy nhất và tôi tin là chúng ta sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi đi đến được cuối cùng của chặng đường.   Sau tất cả những chia sẻ trên, tôi xin được đúc rút cho bản thân mình như sau:

- Hãy luôn mang một tinh thần lạc quan bền bỉ, khiêm tốn và ham học hỏi vì cho dù bạn có giỏi tới mức nào đi chăng nữa thì ở ngoài kia vẫn có rất nhiều người tài năng.

- Hãy kiên trì và theo đuổi ước mơ của mình vì sau những lần thất bại chắc chắn bài học kinh nghiệm sẽ cho bạn sự trưởng thành.

- Nếu bạn có mục tiêu hãy phấn đấu hết mình vì nó, tất cả mọi sự dở dang đều đang lại kết quả dang dở.

- Nếu có thể tìm được một người bạn có chung ước mơ đi du học như bạn hãy cùng người đó trở thành đôi bạn cùng tiến. Nếu được như vậy sẽ chẳng còn gì bằng.

- Chuẩn bị kỹ càng và sớm chưa bao giờ là thừa cả. Thế nên hãy xác định cho mình mục tiêu và vun đắp nó từ bây giờ.

- Hãy kết nối và giữ liên lạc với các thầy cô, bạn bè và những người xung quanh vì họ sẽ tạo nên những bước ngoặt một lúc nào đó trong cuộc đời bạn.

Trên đây là toàn bộ chia sẻ của tôi với tư cách là một cựu sinh viên của khoa kinh tế phát triển- trường ĐH Kinh Tế- ĐH QGHN. Tôi rất sẵn lòng chia sẻ thêm bất cứ điều gì tôi có cho bạn nếu bạn cũng mong muốn xin học bổng để đi du học. Các bạn có thể liên hệ với mình theo địa chỉ email: hiennt1001@gmail.com.

Chúc các bạn sinh viên sẽ học tập tốt và sớm đạt được ước nguyện của bản thân.


Nguyễn Thị Hiền- QH-2008E-KTPT
Các tin khác
 
 
 
 
free stats Khoa Kinh tế Phát triển
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Email: ktpt_ueb@vnu.edu.vn
Website: ktpt.ueb.edu.vn